Hội thảo được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vừa kết thúc rất tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðoàn đại biểu Việt Nam, tôi xin được gửi đến đồng chí Lý Thư Lỗi cùng các đồng chí trong Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Trung Quốc lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí Việt Nam, Trung Quốc mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công mới!
Chúng ta đều biết, suy thoái môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu to lớn, là mối đe dọa chung đối với sự phát triển của cộng đồng nhân loại. Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường và nước biển dâng.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này và với ý thức trách nhiệm cao, trong tiến trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngay từ rất sớm, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương: tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường ngay trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Ðây là quan điểm phát triển nhất quán của Ðảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời được coi là một trong những mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật mang tính biện chứng và là vấn đề cốt lõi trong lý luận về đường lối đổi mới, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng.
Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhận thức lý luận, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về bảo vệ môi trường sinh thái không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn của đất nước, xu thế phát triển chung của thế giới và đòi hỏi cấp bách của nhân loại.
Từ chủ trương: "tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững" trong giai đoạn đầu nhằm nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã nêu ra quan điểm toàn diện: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững" (1).
Ðặc biệt, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Ðịnh hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam" (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), trên cơ sở phát triển đồng bộ cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Những quan điểm, chủ trương đó đã đặt nền móng cho đường lối "phát triển nhanh và bền vững" của Việt Nam, được tiếp cận tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt trong các Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2010, giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2030 cùng các Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; với việc thực hiện có lộ trình, bước đi phù hợp, mang lại những kết quả cụ thể, giải quyết được cả những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài; vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của một quốc gia đi sau, vừa phù hợp với cách tiếp cận toàn diện, bao trùm và bền vững theo các chuẩn mực quốc tế.
Ðảng Cộng sản Việt Nam xác định: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, là trách nhiệm của toàn xã hội; bảo vệ môi trường gắn với cải thiện môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, đem lại cuộc sống văn minh, tươi đẹp cho nhân dân; và là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù là một nước đang phát triển, nguồn lực và năng lực còn hạn chế, nhưng Việt Nam luôn có những nhận thức tiên phong và tầm nhìn thời đại trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và bảo vệ môi trường sinh thái bắt kịp với nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao; đặc biệt chú trọng kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã xây dựng và triển khai chiến lược tăng trưởng xanh từ rất sớm. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành năm 2012), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (ban hành năm 2021) của Việt Nam đã đề ra và nhấn mạnh những mục tiêu xuyên suốt, hết sức quan trọng là: thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu…
Từ nhận thức ban đầu về mong muốn kiểm soát, phòng, chống và đảo ngược những biến đổi bất lợi của tự nhiên, Việt Nam đã chuyển sang quan điểm và chủ trương nâng cao năng lực tự cường, thích ứng với sự thay đổi, từ đó định hình những mô hình, phương thức phát triển thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên; thay đổi lối sống và hành vi sản xuất, tiêu dùng; thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sinh thái thân thiện với môi trường.
Từ chỗ hoàn toàn dựa vào nguồn lực nhà nước trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuyển sang đa dạng hóa trong huy động các nguồn lực trên thị trường với các giải pháp mang tính đột phá, như: thúc đẩy hợp tác công-tư trong đầu tư bảo vệ môi trường; quy định mức chi cho bảo vệ môi trường theo tỷ lệ vốn đầu tư của các dự án; thực hiện cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù chi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí, chuẩn bị từng bước vận hành thị trường tín chỉ các-bon,...
Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành một điểm sáng toàn cầu trong việc hoàn thành Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc và hiện nay đang đạt được những tiến bộ khá ấn tượng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs).
Ðặc biệt, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "không" (NetZero) vào năm 2050. Ðây là mức cam kết cao so với điều kiện thực tế của Việt Nam, thể hiện sự chủ động, ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của Việt Nam nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên tham gia thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm các đối tác quốc tế. Chúng tôi cho rằng, đó là những minh chứng sinh động về sự hiện thực hóa Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt-Trung trong vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc tháng 12/2023; và đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: "Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường" (2).
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với những chủ trương, quyết sách mang tính tiên phong và đúng đắn, sự nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, với nhiều điểm sáng nổi bật:
(1)- Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường sinh thái được đẩy mạnh rộng khắp ở các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xã hội theo hướng tích cực, đặc biệt là việc chuyển từ thái độ đối phó với các cơ quan chức năng sang ý thức tự giác chấp hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; bước đầu khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ bảo vệ môi trường sinh thái.
(2)- Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Ðảng được đẩy mạnh; qua đó hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được hoàn thiện; nâng cao hiệu quả và thống nhất công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường sinh thái từ Trung ương đến địa phương trên tất cả các mặt: chủ động, tích cực phối hợp trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học,...
(3)- Ðẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ "nâu" sang "xanh", giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời khuyến khích, hình thành nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh, nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu-cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất… phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thân thiện với môi trường; ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ nhằm giảm phát thải, giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Ðiển hình là: lối sống và hành vi tiêu dùng về sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái còn chưa cao. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn là khâu yếu. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có nơi còn thấp trong khi các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên chậm được khắc phục. Công tác quy hoạch, đánh giá, định giá tài nguyên chưa thật đầy đủ, chặt chẽ. Ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển. Nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn khiêm tốn.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ý thức sâu sắc rằng, đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ "nâu" sang "xanh", đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh, không có sự đánh đổi giữa bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế-xã hội; càng không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá và không thể chấp nhận hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Các quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi lối sống và hành vi tiêu dùng đang hình thành nhiều lĩnh vực kinh tế mới, mang lại những cơ hội đầu tư, tạo ra lợi nhuận và việc làm. Những sự chuyển đổi đó không chỉ dựa trên công nghệ, tri thức hiện đại mà còn dựa trên cả những phương pháp, tri thức truyền thống; không chỉ phù hợp với các nước giàu mà có thể thành công ngay cả ở những nền kinh tế đi sau.
Ðối với Việt Nam, trên quan điểm "phát triển nhanh, bao trùm và bền vững", chúng tôi hết sức quan tâm đến yêu cầu bảo đảm "chuyển đổi công bằng", để tất cả mọi người có cơ hội như nhau, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu to lớn của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong lãnh đạo xây dựng văn minh sinh thái trên cơ sở quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm, quyết sách chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình được thể hiện trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XX của Ðảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi coi đây là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Ðảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và mong được các đồng chí trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trên một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình hiện đại hóa đất nước; nhất là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bám sát thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về môi trường với các lĩnh vực khác có liên quan, bảo đảm lợi ích quốc gia đồng thời phù hợp với luật pháp và xu thế hội nhập quốc tế.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; về cách thức thực hiện giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đối với các ngành, địa phương; về kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương theo hướng thống nhất, tập trung đầu mối, có phân cấp, phân quyền gắn với thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của ngành môi trường, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, thực hiện cơ cấu lại, sử dụng hợp lý, hiệu quả, đúng mục đích nguồn chi sự nghiệp môi trường; trong đó có việc kết hợp tăng chi từ ngân sách nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; kết hợp giữa nguồn lực của Trung ương với nguồn lực của địa phương và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Thứ tư, các vấn đề lý luận về văn minh sinh thái, xây dựng văn minh sinh thái trong thời đại mới để thể hiện sự phát triển ưu việt của chủ nghĩa xã hội; tổng kết thực tiễn, chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo về bảo vệ môi trường sinh thái, về giải quyết các vấn đề môi trường khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn, làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông, ven biển; về khoanh vùng, xử lý, cải tạo các khu vực bị ô nhiễm, nhất là ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; khôi phục rừng tự nhiên, khoanh vùng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trao đổi khoa học, cầu thị và có trách nhiệm cao, Hội thảo lý luận lần thứ 18 của hai đảng chúng ta sẽ thành công tốt đẹp, góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn nội hàm quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng phát triển.
(Phát biểu của đồng chí NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tại Hội thảo lý luận lần thứ 18 giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Cộng sản Trung Quốc )